Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
GIỚI THIỆU VỀ MỘT SỐ CÔNG CỤ CẢI TIẾN NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG
Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài đòi hỏi doanh nghiệp ấy phải kinh doanh có hiệu quả; tạo ra được những sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh; các dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt; hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn, cam kết, chọn lựa chính xác và vận dụng công cụ quản lý phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp mình.
Khi thế giới ngày càng mở rộng sự kết nối, đặc biệt với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, càng tạo ra mức độ cạnh tranh mới giữa doanh nghiệp trong cùng ngành. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp không thể bỏ qua nhu cầu cải tiến hiệu quả hoạt động về chất lượng, chi phí trong sản xuất và giao hàng.
Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục. Năng suất chất lượng của doanh nghiệp sẽ được cải tiến và nâng cao thông qua việc áp dụng các công cụ cải tiến như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC, ... Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh trong thời đại 4.0 là doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất của mình.
Trên thực tế, tại Tiền Giang việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, cần để doanh nghiệp thấy được những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được khi áp dụng các công cụ này. Vậy doanh nghiệp sẽ được lợi gì khi áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng?
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC, … là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích nhất định. Điển hình như, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất về hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) sẽ giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.
Việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng "tinh gọn". Từ đó giúp cho doanh nghiệp ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, cải tiến và nâng cao năng suất.
Việc áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc áp dụng Six Sigma giúp giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí quản lý, sự hài lòng của khách hàng gia tăng, thời gian chu trình giảm, giao hàng đúng hẹn, dễ dàng hơn cho việc mở rộng sản xuất, kỳ vọng cao hơn, và những thay đổi tích cực trong văn hoá của tổ chức.
Có thể thấy, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những năm qua đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là lúc doanh nghiệp cần phải tập trung giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo đời sống cho người lao động.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng