Kết luận thanh tra
Kết luận Thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ
Căn cứ Điều 50 Luật Thanh tra ngày 29/11/2010;
Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Đoàn Thanh tra theo Quyết định thanh tra số 133/QĐ-SKH&CN ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang về việc thanh tra chuyên ngành về đo lường, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ,
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang kết luận thanh tra như sau:
- Khái quát chung
Tổng số cơ sở được thanh tra là 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong đó:
- 01 cơ sở với loại hình Chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, kinh doanh vàng trang sức.
- 49 cơ sở với loại hình Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh vàng trang sức.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng trang sức được thanh tra không chỉ bán sản phẩm do cơ sở sản xuất, mà còn kinh doanh nhiều loại sản phẩm vàng trang sức do các đầu mối khác trong và ngoài tỉnh cung cấp, như: Công ty CP VBĐQ Phú Nhuận - TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV VBĐQ Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH SX TM Nhân Khang - TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV SX TM DV vàng Thế Hùng - tỉnh Long An, Công ty VBĐQ Kim Long - tỉnh Đồng Tháp, Công ty vàng bạc đá quý Trung Hiền -Tiền Giang,…
2. Kết quả thanh tra
2.1. Việc ghi nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ:
- Các cơ sở đều thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ theo Thông tư 22/2013/BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường nhưng ghi chưa đầy đủ nội dung theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, cụ thể là chưa ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
- Còn một số cơ sở nhầm lẫn trong việc ghi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa trên nhãn: ghi tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở kinh doanh mà không ghi tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở sản xuất.
- Còn tồn tại 14 cơ sở trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa.
2.2. Việc công bố tiêu chuẩn, chất lượng vàng: Cụ thể 48/50 cơ sở đều thực hiện việc công bố tiêu chuẩn, chất lượng vàng theo đúng quy định. Vẫn còn 02 cơ sở không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định (DNTN Kim Phát Bình Phú, huyện Cai Lậy và DNTN Kim Hằng, Châu thành); 03 cơ sở Bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định (DNTN Thanh Thủy, TX. Cai Lậy; DNTN Vàng Tiến Thành, TX. Cai Lậy và DNTN Tuấn Đạt, TX. Gò Công).
2.3. Việc sử dụng các phương tiện đo trong kinh doanh vàng: các cơ sở sử dụng cân phân tích trong kinh doanh vàng phù hợp quy định. Việc kiểm định cân theo định kỳ hầu hết các cơ sở thực hiện đúng quy định; tuy nhiên còn 02 cơ sở sử dụng cân đã hết hạn kiểm định (DNTN vàng bạc Kim Linh Chợ Gạo và DNTN Kim Sơn Châu thành); 01 cơ sở Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định trên phương tiện đo Cân phân tích vàng (DNTN Mười Kim Tín Cái Bè).
2.4. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - việc sử dụng thiết bị X-quang: có 01 cơ sở (DNTN Đức Thịnh, Châu Thành) được thanh tra có sử dụng máy phát tia X để kiểm tra tuổi vàng chưa được cấp phép sử dụng thiết bị bức xạ. Đoàn Thanh tra yêu cầu cơ sở thực hiện việc khai báo cấp phép sử dụng thiết bị X-quang theo quy định.
2.5. Việc sử dụng mã số, mã vạch, sở hữu công nghiệp: Các Doanh nghiệp được kiểm tra không sử dụng và không đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
2.6. Việc lấy mẫu thử nghiệm chất lượng vàng: Do tình hình kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ của các Doanh nghiệp được thanh tra còn nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, lô sản phẩm làm ra ít và không đồng đều…mặt khác, do điều kiện chưa đảm bảo cho việc lấy mẫu thử nghiệm chất lượng nên Đoàn Thanh tra không thực hiện.
3. Nhận xét và kết luận
Kết quả thanh tra cho thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ có chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng như: Xây dựng và công bố tiêu chuẩn, chất lượng vàng; ghi nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ; sử dụng phương tiện đo theo quy định.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó: 14 cơ sở không ghi nhãn hàng hóa; 05 cơ sở không xây dựng và công bố tiêu chuẩn áp dụng; 02 cơ sở sử dụng cân phân tích vàng có chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực; 01 cơ sở Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định trên cân phân tích vàng. Ngoài ra, 01 cơ sở dụng máy phát tia X để kiểm tra tuổi vàng chưa được cấp Giấy phép sử dụng (đã nêu ở mục 2.).
4. Các biện pháp xử lý
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với tồng số tiền phạt là 97.500.000 đồng (Chín mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng).
- Đoàn Thanh tra đã buộc các cơ sở vi phạm không ghi nhãn hàng hóa phải thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định; các cơ sở không công bố tiêu chuẩn áp dụng phải thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; yêu cầu các cơ sở vi phạm về đo lường phải thực hiện việc kiểm định phương tiện đo đã hết hạn kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, cơ sở sử dụng máy phát tia X trong kinh doanh vàng chưa có Giấy phép sử dụng thực hiện việc khai báo cấp phép sử dụng thiết bị X-quang theo quy định.
- Kiến nghị Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có kế hoạch tập huấn hướng dẫn thêm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ về các nội dung cần thiết công bố trên nhãn theo đúng quy định; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên về đo lường và chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh./.
GIÁM ĐỐC