
|
Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành ban hành Kế hoạch số 397/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 12/7/2018 là một bước khởi đầu quan trọng trong việc đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tác động mạnh mẽ làm thay đổi tư duy giấy tờ và phương thức làm việc kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới giảm thiểu văn bản giấy. Tại Tiền Giang, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế trao đổi, xử lý và lưu trữ văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 10/8/2021).
Thực hiện các Quyết định trên, tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục) trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn bộ các văn bản nội bộ và văn bản gửi đến các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh được Chi cục phát hành dạng bản điện tử theo quy định. Thực tế trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, Chi cục thường xuyên phối hợp công tác, liên hệ với rất nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh; chỉ tính riêng mảng công tác triển khai áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001, Chi cục phối hợp hơn 200 cơ quan gồm các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc phát hành các giấy mời, thông báo,... dạng bản điện tử theo quy định hiện nay đã giúp Chi cục cắt giảm rất nhiều chi phí văn phòng phẩm, chi phí gửi văn bản qua đường bưu chính; tốc độ trao đổi thông tin, văn bản rất nhanh so với hình thức phát hành văn bản giấy trước đây; đảm bảo tính minh bạch trong gửi và nhận văn bản (biết được tình trạng văn bản đã được cơ quan nhận xử lý hay chưa).
Bên cạnh những lợi ích đó, trên nền tảng tạo lập văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số cá nhân, lãnh đạo Chi cục có thể xử lý, phê duyệt văn bản mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đi công tác. Điều này giúp việc truyền tải thông tin được kịp thời. Trong nội bộ cơ quan, tính minh bạch của quá trình xử lý văn bản trên môi trường điện tử đã giúp lãnh đạo Chi cục giám sát, đôn đốc, loại bỏ tình trạng trì trệ, chậm xử lý văn bản của công chức; qua đó ngăn ngừa rủi ro trễ tiến độ công việc, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Chi cục.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về trao đổi, xử lý văn bản điện tử để góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính, hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Huỳnh Thái Phụng
Phòng Nghiệp vụ - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Thông báo
Lịch tiếp công dân
Liên kết
Thống kê
  Đang truy cập : 18
  Hôm nay: 1
  Tổng lượt truy cập: 163195