Khoa học - Công nghệ
Sử dụng rơm và lục bình trong túi ủ biogas
Trong những năm gần đây, hiệu quả của hầm, túi ủ biogas ngày càng được khẳng định không chỉ trong việc xử lý an toàn chất thải chăn nuôi, mà còn tạo ra được nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch, cung cấp chất đốt phục vụ cho nhu cầu đun nấu, thắp sáng... Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn trong tình trạng tự phát, thường nuôi không liên tục và có thể ngừng nuôi khi không có lợi nhuận, điều đó đã gây bất lợi đến mô hình biogas đang hoạt động. Ðối với những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ thì mô hình túi ủ biogas được áp dụng khá phổ biến do giá thành thấp, vận hành và bảo trì đơn giản. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, rơm và lục bình có thể được sử dụng làm nguồn nguyên liệu bổ sung cho quá trình sản xuất khí sinh học. Mặc dù vậy, đa số những nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp ủ theo mẻ trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nghiên cứu này đánh giá khả năng sinh khí của rơm, lục bình và phân heo trong ủ yếm khí bán liên tục trên túi ủ polyethylen (PE) được thực hiện nhằm ứng dụng việc bổ sung rơm, lục bình để sản xuất khí sinh học trong điều kiện thực tế của nông hộ.
Kết quả cho thấy, có thể sử dụng rơm và lục bình làm nguyên liệu nạp thay thế cho túi ủ biogas loại PE với tỷ lệ 50% (tính theo VS) ở quy mô nông hộ mà không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh khí, hiệu suất của túi so với túi ủ truyền thống nạp hoàn toàn bằng phân heo. Tỷ lệ nạp 100% rơm và 100% lục bình cho thấy túi ủ có thời gian vận hành thấp, khối lượng nạp không cao. Ngoài ra, pH giảm thấp, sự tích lũy TVFAs cao cũng là một trong các hạn chế ảnh hưởng đến thời gian vận hành, khả năng sinh khí của các túi ủ này.
Theo khoahocphothong.com.vn, 09/07/15